Có lẽ trước khi tham gia WTO, ít ai ngờ rằng sau nhiều năm các DNVN vẫn không hưởng được những ưu đãi như kỳ vọng ban đầu. Lý do là các DNVN, trong đó có các DN ngành thép liên tục phải đối diện với những vụ kiện thương mại.
Đối mặt với nhiều thách thức
Kinh nghiệm từ WTO cho thấy, cho dù TPP có được ký kết, nhưng nếu các nước vẫn tìm mọi cách để tăng cường phòng vệ thương mại như áp thuế Chống bán phá giá và Chống trợ cấp thì DNVN cũng khó có “cửa” để tăng XK .
Theo VCCI, trong đàm phán TPP không có nội dung nào hạn chế quyền của các quốc gia nhập khẩu trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ này. Dù TPP có Chương về phòng vệ thương mại, nhưng nội dung của các Chương này rất ngắn và chủ yếu nhấn mạnh yếu tố hợp tác trong việc xử lý nhanh các khiếu nại, nếu có. Như vậy, rõ ràng không có chuyện khi tham gia TPP, các nước sẽ bớt sử dụng những phương pháp tính toán bất lợi cho DN Việt.
Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia Kinh tế Cao cấp, cho biết VN mở cửa thị trường nhưng lại không có biện pháp phòng vệ thương mại (hạn chế nhập khẩu đối với một số loại hàng hóa khi việc đó đe dọa ngành sản xuất địa phương) nên các DN trong nước rất khó cạnh tranh với DN nước ngoài. Trong khi đó, nước ngoài tuy mở cửa nhưng lại đưa ra chính sách phòng vệ khắt khe khiến DN Việt khó thâm nhập.
Nhiều DN hy vọng rằng đàm phán TPP đã khiến Mỹ có những nhượng bộ tích cực trong các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với nhiều ngành hàng của VN. Tuy nhiên, dường như đàm phán TPP hoàn toàn không tác động đến kết quả các vụ kiện Chống bán phá giá, Chống trợ cấp của Mỹ, mà điển hình là đối với thủy sản VN.
Ở một khía cạnh khác, sau khi tham gia TPP, VN sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế. Chẳng hạn, có nhiều mặt hàng VN xuất khẩu vào các nước trong nhóm này sẽ giảm thuế về 0%. Tuy nhiên, ngoài một số mặt hàng như dệt may, da giày thì không phải mặt hàng nào cũng được hưởng những ưu đãi về thuế.
Thực tế, hiện nay các hàng thuế quan vẫn rất khó được gỡ bỏ. Hàng rào này đổ thì hàng rào khác lại dựng lên với mục tiêu bảo vệ bằng một giá cho hoạt động sản xuất của các nước. TPP có được ký kết, nhưng các quốc gia lại tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại như áp thuế Chống bán phá giá và Chống trợ cấp thì DN Việt sẽ vẫn khó xuất khẩu, một vị chuyên gia chia sẻ.
Kỳ vọng của DN
Giới phân tích nhận định, thực lực DN VN có năng lực cạnh tranh khá thấp, cho dù Chính phủ đã rất nỗ lực mở ra cơ hội mới cho các DN khi ký kết nhiều hiệp định thương mại, nhưng rõ ràng khi không có năng lực thực sự, càng mở cửa thì DN VN càng chịu thiệt. Trong khi đó, các DN quốc tế có cái nhìn rất xa về tài chính, về hoạch định sản phẩm, dây chuyền sản xuất cho tương lai.
Vì vậy, để thực sự được hưởng lợi từ các Hiệp định FTA, TPP… bên cạnh những hỗ trợ của các Bộ, ngành, VCCI… không có cách nào khác, bắt buộc tự thân các DN phải thay đổi mạnh mẽ về cấu trúc công nghệ và cấu trúc ngành nghề, có sự nỗ lực rất nhiều để đón đầu các cơ hội mới từ AEC và TPP đang sắp đến...
Các DN thép đang kỳ vọng sau khi tham gia TPP, lượng thép XK sẽ chiếm khoảng trên 50% tổng lượng tiêu thụ (hiện chiếm khoảng 30% - PV). Các DN lý giải, phần lớn lượng phôi thép nhập khẩu từ Mỹ và Nhật, chính là cơ sở để thép thành phẩm có thể XK sang các nước TPP. Đây chính là cơ hội lớn của ngành thép nếu so với các ngành khác.
Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho AEC, các DN ngành thép đã đẩy mạnh XK sang thị trường ASEAN, chỉ tính riêng năm 2013, VN đã XK gần 575 nghìn tấn sắt thép sang thị trường Campuchia, trị giá gần 393 triệu USD, tăng 20,7% về lượng và tăng 10,57% về trị giá, chiếm 14,6% tổng trị giá XK. Những DN thép “chiếm lĩnh” khá tốt thị trường Campuchia là Thép miền Nam, Pomina, Thép Tây Đô, Sunsteel… bởi giá thép của các DN này cạnh tranh được với giá thép cùng loại của Thái Lan, Trung Quốc… Các DN cho biết, khi TPP có hiệu lực, có cơ hội để khai thác các thị trường lớn và tiềm năng như Chile, New Zealand, Mỹ, Úc, Mexico… cũng sẽ mở rộng.
Tuy nhiên, không phải không có nỗi lo khi TPP mặc dù không phải là sân chơi cho các DN Trung Quốc nhưng cũng không hẳn là cơ hội cho tất cả các DN thép trong nước. Năm 2013, hơn 1/2 tỉ trọng XK ngành thép thuộc về các DN FDI trong đó có Trung Quốc. Lý do là nhiều DNVN khi thành lập mục tiêu phục vụ thị trường nội địa là chủ yếu, còn sản phẩm thép đạt chất lượng XK thì không nhiều DN đạt được, chủ yếu là các tên tuổi đã có thương hiệu như: Tổng Cty Thép Việt Nam, Pomina, Tôn Hoa Sen, SeAH...
Vì vậy, để tồn tại bắt buộc phần đông các DN thép Việt phải đổi mới công nghệ, chất lượng… khi tham gia AEC vào năm 2015 và khi TPP chính thức được thông qua.
Theo Quốc Anh
Diễn đàn doanh nghiệp
Cầu Bạch Đằng 2 – Đồng Nai
05/09/2023
Cầu Bạch Đằng 2 do Ban Quản lý dự án...